Nhiều quán cà phê nổi tiếng thế giới vì từng là nơi các nhà văn, nghệ sĩ đã lui tới nhiều thập niên, và nay tự hào trưng biển rằng “Hemingway đã uống cà phê ở đây”, “Picasso đã vẽ những phác thảo quan trọng của bức tranh trên cái bàn này”… Nhưng đó là khi có người nổi tiếng đã giơ bàn tay phù phép cho quán cà phê nọ. Còn vô số quán xá khác, ở ngay đầu phố ta sống, cạnh cơ quan nơi làm việc, hay lãng mạn hơn, ở một góc hồ lãng đãng, ta vào vì đủ lý do. Tiện đường chẳng hạn, điều này nhiều khi đúng với số đông, nào là dễ để xe, hoặc án ngữ một ngã tư quang đãng, nơi chỉ cách nơi làm việc vài tầng nhà. Cái lý do tầm thường này thực tế cũng chính là điều tiên quyết khiến các nhà kinh doanh bỏ tiền ra thuê hoặc mua địa điểm. Chỗ nào mà dân văn phòng nhiều, cánh trí thức thích bàn luận thế sự, hay các chàng sinh viên đương tuổi cua gái, thì đắc địa để mở quán. Không ai mở quán cà phê ở đồng không mông quạnh hay phơi mặt ra công trường bụi bặm.
Những chỗ ấy chỉ nên mở quán nước chè hoặc quán rượu lục lâm. Cà phê là nhu cầu tiện lợi, thư giãn và giải tỏa dăm ba cơn stress thường nhật. Cà phê gắn với đô thị, với phố phường, với một vài quy tắc ứng xử nhất định. Quán nước chè thì không, và quán rượu thì ai cũng biết là chốn rượu vào lời ra.
Một lý do khác để vì sao ta vào, là đồ uống ngon. Cà phê ngon ắt là một tiêu chuẩn không thể xem thường. Chẳng thế mà người ta vẫn cứ lặn lội đến những quán cà phê trứng, cà phê muối như Café Giảng ở Hà Nội dù quán này đã chuyển địa điểm từ Hàng Gai ra Nguyễn Hữu Huân và Yên Phụ. Cho nên tiện đường mà cà phê không đặc sắc thì chỉ như loại báo giấy đọc lấy tin rồi thôi. Thiết thực nhưng không nhất thiết lưu trữ. Ngay những quán nổi tiếng Hà Nội trước đây, “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng”, chẳng quán nào có địa điểm hoành tráng, đều bé nhỏ, chật hẹp và tối tăm. Hay là có khi cũng giống như món phở Hà Nội, mấy quán cà phê ngon này đều không bận tâm đến làm đẹp nên có thời gian hơn để tập trung vào tìm công thức pha cà phê cho ngon! Rõ ràng, lý thuyết địa điểm làm nên quán cà phê đã từng bị xô đổ. Nhưng theo thời gian, người Hà Nội thế hệ mới đã biết đến những quán cà phê rộng mênh mông hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét vuông với cả trăm người ngồi thoải mái trong những xa-lông êm ái. Có tiền của thì nhu cầu phải cao hơn chứ.
Ấy vậy cứ ra phố là thấy đầy những quán cà phê ghế nhựa bám chặt lấy các vỉa hè, và sự thật là rất đông giới trẻ tỏ ra hứng thú với sinh hoạt ngồi quây quần quanh đĩa hạt hướng dương và vài cốc đồ uống có hương-gọi-là-càphê để ngắm nghía đường phố và tán tỉnh nhau. Làm sao mà những bạn thế hệ 9x này lại không biết những quán cà phê đẹp mọc lên ngày một nhiều ở Hà Nội, và phim ảnh có quán cà phê thì mới đây thôi, Woody Allen đã tái hiện cả những quán Paris một thuở trong bộ phim Midnight in Paris (Nửa đêm ở Paris). Cảm hứng của những Hemingway, F. Scott Fitzgerald, Dalí hay Chagal của một thời đại hấp dẫn của văn hóa cà phê Paris xem ra chẳng ăn thua gì so với thói quen tụ bạ vỉa hè của dân Hà Nội, dù là thế hệ mới đi nữa. Ta có thể thấy trên vỉa hè các con phố quanh quảng trường Nhà thờ Lớn Hà Nội kín đặc những cô gái tóc duỗi mắt đánh quầng sẫm ngồi sát những cậu trai mặt măng tơ, trước mặt là mấy cốc cà phê đặt trên cái ghế nhựa, thu lu trong cái rét mùa đông, họ hoặc cầm điện thoại hoặc giơ máy ảnh lên chụp cảnh, chụp lẫn nhau và tự chụp mình. Và chấm hết. Chả có tiện nghi gì, và cũng chẳng có hoạt động gì thêm.
Đó chính là một huyền thoại nữa của các vỉa hè cà phê Hà Nội để có thể đưa ra thêm một lý do cho việc lui tới uống cà phê. Tâm lý cộng đồng (“bầy đàn” như cách nói tiêu cực!) của giới trẻ ở đây làm nên khung cảnh ấy, họ tìm đến một nơi có tính kết nối – bằng thời trang như mốt quần áo hay cosplay, bằng phương tiện như xe máy cổ, bằng thú vui như chụp ảnh và cả tinh thần của thế hệ “thiên niên kỷ”. Nếu chúng ta thấy sự tương đồng của những bạn trẻ sinh ra khi “thế kỷ tàn phai” (Trịnh Công Sơn) với hình ảnh của những quán cà phê cũ kỹ khi họ chưa ra đời thì đó là nhờ đặc tính tụ họp của quán xá. Khi nhân rộng lên, không khí ngồi bên nhau bắt mạch tư tưởng này có dáng dấp một loại carnaval xôm tụ. Quán cà phê vừa là diễn đàn nghị sự của các thế hệ (Già: Ông có đồng ý tháng tới Mỹ đánh Iran không? Trẻ: Tao mới săn được quả Leica này chất cực! Trai: Rầu quá, má con nhỏ đó cấm cửa tao. Gái: Thông tin lạc hậu rồi, tao giải tán rồi, thế mới ngồi đây cả lũ đàn bà với nhau - Đại loại những loại tâm sự thế kỷ trước hay thế kỷ sau cũng vẫn vậy), vừa là chốn khởi sự cho những mối quan hệ hay ý tưởng mới (hẹn hò làm quen nhau có lẽ 9/10 diễn ra ở quán cà phê!). Quán cà phê là thế - cũ thì như loại tình yêu đến hồi kết và mới thì như mắt gặp nhau vội cụp xuống sau làn khói.
Có thể nói, không có loại quán xá nào ở Việt Nam lại có khả năng tạo dựng phong cách của người thưởng thức như quán cà phê. Ở phương Tây, quán rượu hay quán bar khả dĩ lấn át quán cà phê và giai nhân tài tử đưa nhau vào đấy có khi còn để dìu nhau trong vài bài nhảy tiêu sầu, để mượn hơi men ngây ngất thắng cái lạnh của những mùa đông dài dằng dặc. Ở Trung Hoa, ca lâu tửu quán đã ghi dấu ấn đậm trong văn thơ cổ đến mức tình quán rượu kiểu Thủy Hử xem ra chẳng khác gì trên phim cao bồi miền Tây Mỹ, gái xưa vén váy tầng khoe tất lưới rút súng nhanh hơn cái bóng của Lucky Luke. Nhờ trời, hai nguồn ảnh hưởng văn hóa ấy lại không đủ sức khiến quán rượu Việt Nam sinh ra phong trào thời thượng nào, chỉ neo lại đây đó là Nguyễn Bính lướt khướt “Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ. Uống say mà gọi thế nhân ơi” và Vũ Hoàng Chương rên rỉ: “Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Ở mấy quán rượu đấy, gái không có mặt.
Chỉ có quán cà phê, mới có những bóng hồng đối ẩm với thi nhân. Và cũng tình cờ thay, cho đến tận ngày nay, quán cà phê cũng là chốn duy nhất mà phái đẹp lui tới không gây thắc mắc gì. Quán rượu, quán bia, quán bar, những thứ quán dễ gây dị nghị khi chị em vào đấy, thứ dị nghị vô căn cứ nhưng đủ sức vùi hoa dập liễu ở xứ ta. Quán nước chè mặc dù ít điều tiếng hơn, nhưng lại có vẻ úi xùi và bần cùng, dáng ngồi quán nước luôn đọng lại vẻ buồn nghèo như tranh Bùi Xuân Phái. Cà phê rút cục là sự lựa chọn vô cùng mềm dẻo cho đủ thành phần người trong xã hội. Ở những quán cà phê Sài Gòn, vẫn dễ thấy những bác chạy xích lô, xe ôm lấm lem dầu mỡ tạt vào ngồi trên ghế bố uống ly cà phê bình đẳng với những trí thức văn phòng đóng hộp chỉn chu.
Cách đây mười mấy năm, có những quán cà phê tụ họp người yêu nhạc đến hát cho nhau nghe. Khác với cà phê Lâm vốn toàn nghệ sĩ tên tuổi của thời xưa cũ, ở đây là những sinh viên hay trí thức trẻ hát hò nghiệp dư, nhưng đã chung nhau niềm say mê một dòng nhạc, một thú chơi. Chẳng hạn quán Nhạc Tranh ở Hà Nội, tự lúc nào đấy đã tự mình làm thành một lịch sử của những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn hay nhạc tiền chiến, họ đến đấy bày tỏ sự yêu thích với những giọng ca không chuyên, sự yêu thích mà chắc đến các ca sĩ đình đám cũng phải thèm muốn.
Mặc dù cũng được xếp vào loại đồ uống có chứa chất kích thích, nhưng cà phê lại hay được uống với một phong thái có phần nhàn tản, thư thái. Khó mà hình dung được ai lại tu cà phê ừng ực cho đã khát hay nốc tì tì cho say mèm. Mỗi chúng ta, thích uống cà phê hay không, ra đến quán là nghiễm nhiên khoác lên mình một dáng vẻ triết nhân, nghệ sĩ, ít nhất là hơn so với cái tôi bình thường nhạt nhẽo công sở hay trường ốc. Uống cà phê lúc này là uống một không khí, một buổi chiều có vạt áo kỷ niệm lồng lộng, một kỷ niệm lắm khi chẳng phải của mình, một kỷ niệm vay mượn, mà sao hương cà phê đưa đẩy ta nhập vai đến lạ.
Theo: Thế giới Cà phê | CF